Trồng răng giả là kỹ thuật nha khoa phục hình răng đã mất được nhiều người lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên có không ít người vẫn luôn lo lắng không biết Trồng răng giả có ảnh hưởng gì không? Điều này sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Tại sao phải trồng răng giả?
Trồng răng giả là kỹ thuật nha khoa giúp phục hồi khả năng ăn nhai và tính thẩm mỹ cho người mất răng
Mỗi người có khoảng 32 chiếc răng ở cả hàm trên và hàm dưới. Ngoại trừ 4 răng khôn có thể mọc hoặc không mọc ở độ tuổi trưởng thành thì những chiếc răng còn lại đều có vai trò hết sức quan trọng.
Một số hậu quả khi mất răng như:
- Lực nhai giảm sút: Mất răng khiến việc ăn nhai, cắn thức ăn trở nên khó khăn, dẫn đến sự hạn chế trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hoá.
- Tiêu xương hàm: Mật độ xương hàm được duy trì bởi sự kích thích khi xuất hiện lực nhai. Khi răng bị mất, lực tác động không còn, xương hàm sẽ bị tiêu dần. Tiêu xương hàm lâu năm nếu muốn hồi phục buộc phải tiến hành ghép xương.
- Lão hoá sớm: Khi xảy ra quá trình tiêu xương hàm, hai má sẽ hóp vào, da mặt chảy xệ làm xuất hiện nếp nhăn.
- Ảnh hưởng đến các răng xung quanh: Khi răng mất đi, răng kế cận mất đi lực nâng đỡ, gây cản trở hoạt động nhai, lâu ngày gây rối loạn thái dương hàm, mỏi hàm, mỏi cơ cổ, nghiến răng... Các răng cửa cũng phải chịu lực nhai, lâu ngày sẽ bị chìa ra phía trước, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Đối với việc mất răng cửa sẽ dẫn đến phát âm không chính xác, nói ngọng hoặc nói ra hơi gió.
- Mất răng gây đau đầu: Mất răng khiến các răng còn lại bị di chuyển, xô lệch, lực nhai tác động lên các răng một cách bất thường, ảnh hưởng đến dây thần kinh kết nối hai xương hàm.
- Gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng, xương ổ răng bị sụt thấp kéo theo tình trạng tụt nướu, ảnh hưởng đến sở thích ăn uống...
2. Trồng răng giả có ảnh hưởng gì không?
Trồng răng có nguy hiểm không? Trồng răng giả là kỹ thuật phục hình răng đã mất không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại, việc trồng răng giả còn phục hồi khả năng ăn nhai, thẩm mỹ và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong ăn uống, tự tin hơn trong giao tiếp.
Tuy nhiên, trồng răng giả cần được thực hiện ở nha khoa uy tín và chất lượng, vì nếu có sự sai sót trong quá trình thực hiện, Bác sĩ tay nghề yếu kém sẽ gây ra một số ảnh hưởng không mong muốn như:
- Viêm nướu, viêm chân răng: Do bệnh nhân không được vệ sinh sạch sẽ răng miệng, điều trị triệt để các bệnh lý từ răng cũ để lại trước khi trồng răng mới. Ngoài ra thiếu sót trong khâu kỹ thuật của những Bác sĩ tay nghề kém cũng có thể tạo khe hở giữa các răng, lâu ngày tích tụ vi khuẩn gây viêm nhiễm.
- Chết tủy: Mài răng quá nhiều gây xâm lấn đến tủy răng, lâu ngày dẫn đến chết tủy.
- Lệch khớp cắn: Trong quá trình mài răng, gắn cố định răng và điều chỉnh răng nếu có bất kỳ sai sót có thể ảnh hưởng đến cấu trúc hàm, khiến khớp cắn bị lệch.
3. Những phương pháp trồng răng giả
Hiện nay, có 3 phương pháp trồng răng giả được nhiều người lựa chọn là hàm giả tháo lắp, cầu răng sứ cố định, cấy ghép Implant,... Mỗi phương pháp đều có những kỹ thuật, ưu nhược điểm riêng. Cụ thể như:
3.1 Hàm giả tháo lắp
Hàm giả tháo lắp có cấu tạo gồm nền hàm hoặc một hàm khung có hình dạng tương tự như nướu răng được làm từ chất liệu nhựa hoặc kim loại. Nền hàm có chức năng nâng đỡ các răng bằng nhựa hoặc sứ ở phía trên, có thể tháo ra hoặc lắp vào khi cần thiết.
Phục hình răng bằng hàm giả tháo lắp được áp dụng cho các trường hợp mất nhiều răng hoặc người già mất toàn bộ răng. Theo đó, hàm giả được chế tác gồm 2 loại là hàm giả tháo lắp bán phần và hàm giả tháo lắp toàn phần.
Ưu điểm:
- Tháo lắp đơn giản, dễ dàng.
- Không gây đau đớn khi tháo lắp.
- Giá thành thấp.
- Đảm bảo chức năng ăn nhai cơ bản, nhẹ nhàng.
- Nền hàm, răng giả được làm từ các chất liệu an toàn với cơ thể.
Nhược điểm:
- Lực nhai yếu, không nhai được các loại thức ăn cứng, dai, dẻo.
- Do chỉ cố định lại bằng các móc kim loại nên gây cảm giác vướng víu, lỏng lẻo. Sau một thời gian sử dụng, hàm dễ rớt ra khi ăn nhai.
- Đeo hàm giả lâu ngày có thể gây teo nướu, hở nướu hoặc thậm chí là viêm nướu, ảnh hưởng đến các răng thật kế cận.
- Không ngăn chặn được tình trạng tiêu xương hàm do mất răng gây ra.
- Nếu nền hàm không khít có thể gây hôi miệng.
- Cần vệ sinh sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ gây nhiều bất tiện.
- Tuổi thọ hàm giả ngắn, sau 3 – 5 năm phải làm lại từ đầu.
3.2 Cầu răng sứ
Đây là hình thức trồng răng giả cố định. Để thực hiện phương pháp này, Bác sĩ sẽ tiến hành mài hai răng khỏe mạnh kế cận, sau đó chụp dãy cầu sứ gồm nhiều răng sứ được chế tác dính liền nhau. Sau khi trồng răng giả, Khách hàng có thể nhai, cắn dễ dàng với mà không sợ rơi rớt, bung tuột như hàm giả tháo lắp.
Ưu điểm:
- Thẩm mỹ cao.
- Chức năng ăn nhai hơn hàm giả tháo lắp.
- Khá an toàn với cơ thể.
Nhược điểm:
- Có nguy cơ sâu răng hoặc viêm nha chu do 2 răng kế cận phải mài mòn để làm trụ cầu.
- Về lâu dài xuất hiện tình trạng tụt nướu, lộ chân răng, không ngăn được quá trình tiêu xương ổ răng.
- Chỉ áp dụng được cho các trường hợp mất 1 răng hoặc 1 vài răng.
- Dễ gây hôi miệng làm mất tự tin trong giao tiếp.
- Chi phí cao nhưng phải làm lại nhiều lần. Tuổi thọ răng trung bình từ 7 – 10 năm nếu chăm sóc tốt.
3.3 Cấy ghép răng Implant
Hiện nay, cấy ghép Implant được rất nhiều người áp dụng khi trồng răng giả
Cắm trụ Implant là phương pháp trồng răng giả cố định giúp phục hồi khả năng ăn nhai và thẩm mỹ toàn diện nhất hiện nay. Khi trồng răng Implant, Bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép trụ Implant vào bên trong xương hàm, sau đó gắn khớp nối Abutment và thân răng sứ lên trên.
Sau khi trụ Implant được cấy ghép vào xương hàm, xương sẽ tự tích hợp vào bề mặt trụ, tạo độ bám vững chắc cho răng giả. Nhờ đó, các răng gắn trên trụ Implant không bị xê dịch khi ăn uống, nói chuyện.
Ưu điểm:
- Không cần mài các răng thật kế cận.
- Phục hồi khả năng ăn nhai gần như răng thật, giúp bạn thoải mái cảm nhận đầy đủ hương vị của món ăn.
- Trụ Implant được làm từ chất liệu an toàn, có tính cơ học cao, tương thích hoàn hảo với cơ thể.
- Ngăn ngừa các hậu quả do mất răng gây ra như: viêm nướu, trồi răng đối diện, sâu răng, tiêu xương hàm, hôi miệng, hở kẽ răng, răng kế cận bị xô lệch.
- Áp dụng cho mọi trường hợp mất răng.
Nhược điểm:
Chi phí trồng răng Implant cao, thời gian điều trị Implant dài hơn so với cầu răng sứ nhưng chỉ cần làm một lần duy nhất vì tuổi thọ răng rất cao (trên 20 năm), thậm chí gần như vĩnh viễn nếu chăm sóc tốt.
4. Cách chăm sóc răng miệng sau khi trồng răng giả
Bảo vệ sức khỏe răng miệng là việc làm quan trọng và cần thiết, kể cả đối với răng thật hay răng giả để giúp răng luôn khỏe mạnh, không bị xỉn màu và ố vàng. Để chăm sóc tốt răng miệng, bạn cần:
- Đánh răng đúng cách, đánh răng mỗi ngày ít nhất 2 lần.
- Sử dụng nước súc miệng để loại bỏ các mảng bám còn sót lại.
- Không nhai, cắn thức ăn, đồ vật cứng.
- Không dùng thực phẩm đang quá nóng hoặc quá lạnh
- Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa trong kẽ răng sau mỗi bữa ăn.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt sử dụng trái cây giàu vitamin C, A giúp răng chắc khỏe.
- Hạn chế dùng các loại đồ uống như rượu, bia, cà phê...
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
Vậy với câu hỏi “Trồng răng có ảnh hưởng gì không?” còn phụ thuộc rất nhiều vào địa chỉ nha khoa mà bạn lựa chọn để phục hình răng. Vì vậy, để có được 1 hàm răng giả chắc chắn, ít rủi ro sau khi trồng, bạn nên chọn phòng khám nha khoa uy tín, nha sĩ có kinh nghiệm lâu năm, đáng tin cậy.